HHUONG.CA

FRAUD PREVENTION

TRÁNH BỊ LỪA DI TRÚ CANADA

Hương gặp nhiều trường hợp nhẹ dạ cả tin tiền mất tật mang khi làm dịch vụ di trú Canada. Mà bị vậy thường là do thiếu thông tin, không chịu tìm hiểu thông tin, và ham ngon-nhanh-rẻ-dễ. 

Hương muốn chia sẻ các thông tin giúp bạn hiểu kỹ hơn và bảo vệ bản thân khi làm dịch vụ di trú nhé.  

6 LỜI KHUYÊN GIÚP BẠN TRÁNH BỊ LỪA KHI LÀM DỊCH VỤ DI TRÚ CANADA

1) ĐỪNG HAM NGON-NHANH-RẺ-DỄ 

Nếu bạn thấy 1 cái quảng cáo đi Canada làm việc hay định cư rất dễ dàng thì đa số là có mùi lừa trong đó. Đây là 1 vài ví dụ:

Nói 1 cách logic và đơn giản nhé: Nếu Canada dễ nhập cư như vậy thì dân số bây giờ chắc cả trăm triệu rồi chứ không phải 35 triệu đâu. 

Các điều kiện để được PR như ngoại ngữ, bằng cấp, kinh nghiệm, độ tuổi là khó hơn nhiều so với đại đa số người dân VN bình thường.

Có khá nhiều quảng cáo về xuất khẩu lao động, đi làm farm rồi sau đó nộp đơn xin PR,… Ứng viên đóng vài chục ngàn đô để xin cái work permit, qua Ca làm 1 năm, sau đó không nộp được PR, hoặc có khi nộp được nhưng không bao giờ nhận được PR cả vì không đủ điểm được mời.  

Sở dĩ những quảng cáo này thu hút được nhiều người và kiếm được tiền là vì họ đánh vào tâm lý thích ngon-nhanh-rẻ-dễ của người Việt. Họ thường đưa ra những tiêu chuẩn rất dễ, nhưng họ không nói đúng sự thật, hoặc chỉ nói 1 phần sự thật. Khi ứng viên qua đến Canada rồi thì họ đã thu 1 phần lớn tiền rồi, có xin được PR hay không thì họ cũng phủi tay. 

Hãy tránh xa hoặc hết sức cẩn trọng, xác minh thông tin với cái gì nghe có vẻ rất ngon-nhanh-rẻ-dễ. 

2) MÌNH CÓ QUYỀN CỦA KHÁCH HÀNG

Một tâm lý khác mà họ đánh vào là tâm lý CẦN. Khi bạn cần quá, muốn quá thì bạn hay quên mất cái quyền KH của mình.

Bạn là khách hàng, bạn trả phí thì bạn có quyền đặt câu hỏi và được trả lời. 

Ví dụ nhé: họ quảng cáo là qua Ca làm farm 9 tháng sau thì được nộp PR. Bạn có quyền hỏi là nộp theo chương trình tên gì. Canada có khoảng 100 chương trình định cư, mỗi chương trình có điều kiện khác nhau. 

Khi biết tên chương trình thì bạn có thể lên website của chính phủ Canada để xem điều kiện nộp PR là gì. Hoặc có thể lập hẹn tư vấn với những người có giấy phép hành nghề di trú như RCIC hoặc luật sư di trú. Thà bạn bỏ ra $100-200 đô để xác minh thông tin, còn hơn là mất vài chục ngàn đô. 

3) CHỌN MẶT GỬI VÀNG

Theo Bộ luật Di trú của Canada thì chỉ có 3 dạng chuyên gia sau được quyền tư vấn, đại diện, và chấm điểm hồ sơ di trú của bạn có thu phí

  • Các Luật sư di trú
  • Các công chứng viên Quebec, 
  • Các RCIC (Tư vấn Di trú có giấy phép) là thành viên của CICC (tên cũ là ICCRC)

Quy định cũng nêu rõ là nhân viên và đại lý của những chuyên gia trên không được phép tư vấn và chấm điểm. 

Những người này được đào tạo bài bản về Luật di trú, được kiểm tra và cấp phép, và bị ràng buộc bởi những quy tắc đạo đức nghề nghiệp khắt khe. Họ đều có mã số giấy phép hành nghề và phải hành động cho lợi ích cao nhất của khách hàng. 

Khi bạn tiếp xúc với 1 dịch vụ di trú, bạn cần hỏi xem họ là ai, có giấy phép không, mã số là gì để kiểm tra. 

Bạn có thể phải trả phí tư vấn theo giờ cho các chuyên gia này. Nhưng bạn muốn tư vấn miễn phí với 1 nhân viên không được đào tạo và cấp phép, hay bạn muốn được hướng dẫn bởi 1 chuyên gia đáng tin cậy?

4) ĐỪNG TIN “BẢO ĐẢM ĐẬU” HAY “CAM KẾT HOÀN TIỀN” 

Đoàn tư vấn Di trú và Quốc tịch (CICC) có quy định rõ rằng: RCIC không được phép đảm bảo hồ sơ thành công, vì có duyệt hồ sơ hay không là quyết định của Sở Di trú IRCC.

Vậy nếu bạn thấy đơn vị di trú nào đó quảng cáo “bảo đảm đậu”, bạn nên đặt câu hỏi là cái quảng cáo này có thật và hợp pháp hay không.

Ngoài ra, nếu họ cam kết hoàn tiền thì bạn cũng phải xem kỹ là họ hoàn thế nào. Rất nhiều trường hợp Hương biết là họ chỉ hoàn lại tiền của giai đoạn cuối, nghĩa là một phần rất nhỏ. 

5) XEM KỸ HỢP ĐỒNG

Đoàn tư vấn Di trú và Quốc tịch (CICC) có quy định rõ rằng: Hợp đồng dịch vụ di trú phải ký trực tiếp với RCIC (và có ghi rõ mã số RCIC), chứ không ký với công ty của RCIC. 

Bạn cũng không nên ký hợp đồng với chi nhánh công ty đó, hay Giám đốc chi nhánh, hay đại lý của RCIC đó ở VN. Các đại lý du lịch, tư vấn du học, hay công ty tuyển dụng không được phép làm dịch vụ di trú. 

Trong hợp đồng cũng phải nêu rõ địa chỉ liên hệ của Đoàn tư vấn CICC (là đơn vị quản lý và cấp giấy phép cho các RCIC) để bạn khiếu nại RCIC đó nếu cần. 

Bạn cần bỏ thời gian để đọc kỹ các điều khoản của Hợp đồng, và có thể phải nhờ một bên thứ 3 xem giúp. Nếu hợp đồng là tiếng Anh, bạn cần yêu cầu thêm bản tiếng Việt hoặc song ngữ.

Lỡ nếu có bị lừa thì luật pháp Canada có bảo vệ bạn được không? Có, nếu bạn ký với RCIC có giấy phép và là người Canada. 

6) ĐỪNG KHAI MAN – ĐỪNG LÀM SAI

Nếu bạn khai man, giấu giếm sự thật, hay giả giấy tờ thì có một số hậu quả sau:

  • Bị từ chối hồ sơ và bị cấm nộp đơn trong vòng 5 năm
  • Bị trục xuất nếu đang ở Canada
  • Nếu đã có PR hoặc quốc tịch và bị phát hiện khai man thì sẽ bị tước PR/quốc tịch, khởi tố và/hoặc trục xuất

Nếu bên dịch vụ di trú có khuyên hoặc khuyến khích bạn khai man để đạt điều kiện của chương trình di trú thì bạn nên tránh xa đơn vị này ra. Có chuyện gì thì người chịu hậu quả nặng nhất là bạn chứ không phải họ. 

Bạn cứ làm đúng, làm thật theo tinh thần và yêu cầu của chương trình thì rủi ro bị từ chối sẽ thấp. 

Cái gì cũng phải đến từ 2 phía. Họ sẽ không lừa được nếu bạn là 1 khách hàng tỉnh táo và thông minh. 

 

**************

Nếu bản thân bạn, hoặc bạn biết ai đó có bị lừa về Di trú Canada, và cần xác minh thông tin hay đòi lại tiền, bạn có thể liên hệ với Hương để được hỗ trợ. Hương đã làm với những ca như thế này để:

  • Xác minh và tìm xem có giải pháp nào không
  • Giới thiệu với 1 luật sư giỏi ở Canada để thưa kiện. H đóng vai trò phiên dịch và hỗ trợ bạn. 

Hương có mức phí tư vấn đặc biệt dành cho những trường hợp thế này (chỉ $50/giờ, giảm 70% so với mức phí $180/giờ thông thường).

Hương sẽ viết tiếp 1 bài về những ví dụ bị lừa mà Hương đã gặp để bạn tham khảo và cảnh giác. 

Hoai Huong (June Doan, RCIC)

Ngày 21 tháng 12 năm 2021

***********
DISCLAIMER:  Bài viết này chỉ có mục đích cung cấp thông tin tham khảo dựa trên các thông tin công cộng của chính phủ Canada, không có giá trị tư vấn pháp lý hay thay thế cho việc tư vấn pháp lý. Các chính sách và chương trình Di trú – Định cư của Canada phức tạp và thay đổi thường xuyên, do đó thông tin trong bài viết này có thể đã thay đổi kể từ khi nó được đăng. Hương mời bạn hãy nói chuyện với chuyên gia tư vấn di trú RCIC hoặc luật sư di trú về trường hợp cụ thể của mình.

Nếu bạn có mong muốn đi Định cư Canada, bạn có thể cho Hương biết thông tin cơ bản, năng lực, và nhu cầu của mình bằng cách dành 5 phút trả lời Bảng câu hỏi ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU bên đây. Dựa vào đó, Hương sẽ báo cho bạn biết có những chương trình nào phù hợp.

Filter By Categories

Hương là RCIC ( viết tắt của Regulated Canadian Immigration Consultant, tạm dịch là Cố Vấn Di Trú Canada được cấp phép). Hương được đào tạo về Luật Di trú và được quyền tư vấn về Di trú và làm dịch vụ Di trú.

Bạn có thể kiểm tra Giấy phép hành nghề của Hoài Hương (June Doan) tại trang Danh sách Thành viên CICC (ICCRC) bằng cách tìm theo tên June Doan hoặc mã số RCIC# R707857 ở đây.

THÔNG TIN

FAQ Câu hỏi thường gặp

Hello@hhuong.ca

640 Dallas Road, Victoria, British Columbia, V8V1B6, Canada.

ĐĂNG KÝ BẢN TIN

© 2021 – HOAI HUONG IMMIGRATION INC. 

TRANG CHỦ / DỊCH VỤ / ĐIỀU KHOẢN SỬ DỤNG / BẢO MẬT / DISCLAIMER / LIÊN HỆ

error: Content is protected !!