HHUONG.CA

STUDY IN CANADA

Du học Canada và những lợi ích mà bạn cần biết

Ngày 5 tháng 11 năm 2021

Được biết đến với nền giáo dục chất lượng cao và môi trường đa dạng về văn hoá, Canada là 1 trong những lựa chọn hàng đầu của các du học sinh từ khắp nơi trên thế giới. Theo những số liệu thống kê gần nhất, dân số Canada vẫn đang trên đà phát triển mạnh.

Nếu bạn đang cân nhắc Canada là điểm đến cho hành trình du học của mình, chắc chắn bạn sẽ không muốn bỏ qua bài viết này. Sau đây hãy cùng Hương tổng hợp lại những lợi ích cũng như một số quy định của chính phủ Canada dành cho du học sinh, cũng như những kinh nghiệm hữu ích để bạn có được 1 trải nghiệm du học tuyệt vời nhé!

Những ích lợi từ việc du học Canada

Ngoài việc bạn sẽ được đắm mình trong môi trường học thuật hoàn toàn bằng tiếng Anh, chính phủ Canada còn có những chương trình có thể hỗ trợ du học sinh để hỗ trợ sinh viên tốt nhất trong thời gian học tập ở nơi đây.

1. Đi làm thêm trong khi học

Hầu hết du học sinh có thể đi làm thêm khi đang tham gia 1 khoá học toàn thời gian, bạn có thể làm cho các cơ sở, tổ chức và dịch vụ trong trường (on-campus) hoặc ngoài trường (off-campus). Để có thể đi làm, bạn cần phải tham gia vào 1 khoá học toàn thời gian tại 1 cơ sở đào tạo sau trung học được chỉ định, có giấy phép học tập (study permit) còn hiệu lực và số an sinh xã hội (SIN). Dù là làm việc trong trường hay ngoài trường thì bạn đều không cần giấy phép đi làm (work permit) để được đi làm hợp pháp. Tuy nhiên, bạn chỉ được giới hạn 20 tiếng 1 tuần khi làm ngoài trường và không bị giới hạn khi làm thêm trong trường, tuy nhiên bạn cần phải cân bằng giữa việc học và việc đi làm cũng như bảo đảm sức khoẻ cho bản thân nhé!

(Những sinh viên tham gia vào các khoá học bổ túc tiếng Anh hoặc Pháp (ESL/ FSL tuy có giấy phép học tập (study permit) có hiệu lực chỉ được phép đi làm trong trường nên các bạn khi hoàn tất các khoá học ESL cần lưu ý cập nhật lại giấy phép đi học(study permit) của mình để có thể đi làm ngoài trường nhé!)

2. Giấy phép làm việc cho vợ/chồng

Một trong những điểm mà Canada tạo điều kiện cho du học sinh chính là vợ/ chồng hoặc common-law partner của sinh viên có thể cùng đến Canada và được cấp giấy phép làm việc để có thể đi làm hợp pháp với 1 số điều kiện cần được thoả mãn sau.

  • Sinh viên phải có giấy phép học tập còn hiệu lực
  • Người đi học phải tham gia vào chương trình của 1 cơ sở giáo dục nằm trong danh sách chỉ định
  • Vợ/ chồng hoặc partner không phải là du học sinh

Theo quy định của bộ di trú Canada, giấy phép đi làm cấp cho vợ chồng hoặc common law partner phải có hạn hiệu lực cùng với giấy phép học tập (study permit) của du học sinh bảo lãnh người đó đi cùng, và đó là giấy phép đi làm mở, có nghĩa là người đó được phép đi làm cho bất kì công ty hoặc tổ chức nào mà họ mong muốn và không bị giới hạn (như LMIA)

3. Giấy phép đi làm sau khi tốt nghiệp

Lợi ích tiếp theo mà bạn nhận được khi đi du học tại Canada đó chính là Giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP) , đây là 1 chương trình nhằm tạo điều kiện cho du học sinh đi làm và phát triển sự nghiệp của mình sau tốt nghiệp. Để lấy được loại giấy phép này cần những điều sau:

  • Sinh viên phải tốt nghiệp từ chương trình đào tạo có độ dài hơn 8 tháng
  • Trong thời gian theo học tại chương trình, sinh viên phải hoàn tất các kì học toàn thời gian liên tục không ngắt quãng, có nghĩa là không có kì nào bán thời gian và bạn không được có kì nào hoàn toàn không đi học
  • Cơ sở đào tạo sau bậc trung học của sinh viên phải nằm trong danh sách các trường được cấp giấy phép
  • Sinh viên phải nộp đơn xin cấp giấy phép 180 ngày sau tốt nghiệp và giấy phép học tập phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp giấy tờ

Thông thường, giấy phép làm việc sẽ có kỳ hạn bằng tổng thời gian du học Canada của bạn. Tuy nhiên, theo quy định thì hiệu lực tối đa cho sinh viên quốc tế ở lại làm việc tại đất nước này không được vượt quá 3 năm. Tức là nếu bạn học chương trình 4 năm, bạn cũng chỉ có thể ở lại Canada 3 năm để làm việc theo diện đăng ký PGWP. Bên cạnh đó, các khóa học ngắn hạn cũng được phép cộng dồn vào để gia hạn hiệu lực của giấy phép lao động.

4. Con đường dẫn đến PR

Một trong những điều hấp dẫn khi bàn về du học tại Canada chính là cơ hội định cư và trở thành thường trú nhân tại đây. Du học sinh tốt nghiệp và thừa hưởng nền giáo dục Canada với những phẩm chất tuyệt vời để đóng góp cho nền kinh tế của Canada. Chính phủ liên bang đã ban hành nhiều chương trình định cư để thu hút nhiều người đến và chọn Canada làm nhà. Sinh viên sau tốt nghiệp có thể nộp xin PR theo chương trình liên bang (CEC) hoặc đề cử tỉnh bang với các quy định khác nhau tuỳ vào chương trình mà bạn có thể tra cứu tại website của bộ di trú Canada và các quy định này thường xoay quanh kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn và tiếng Anh. Một số tỉnh bang, ví dụ như Manitoba, có những chương trình đặc biệt dành cho du học sinh có thể kể đến doanh nhân du học sinh Manitoba

Nhiều chương trình định cư đòi hỏi bạn cần phải có kinh nghiệm làm việc tại Canada nên bạn cần phải tận dụng giấy phép làm việc sau tốt nghiệp để tích luỹ kinh nghiệm làm việc. Cũng cần lưu ý rằng nếu vợ hoặc chồng bạn đang giữ giấp phép làm việc và đi làm trong thời gian bạn hoàn thành chương trình học cũng có thể tích luỹ kinh nghiệm làm việc tại Canada và thoả mãn cho 1 số chương trình định cư và có thể mở hồ sơ xin định cư và đính kèm hồ sơ của sinh viên.

Các quy định cần lưu ý

Ngoại trừ 1 số trường hợp đặc biệt, sinh viên được yêu cầu phải tham gia khoá học liên tục không gián đoạn vì đã có 1 số trường hợp sinh viên bỏ học và đi làm bất hợp pháp trong khi mục đích ban đầu khi nộp visa là để đi học/ Bộ di trú sẽ thường xuyên kiểm tra tình hình học ya65p của sinh viên để tránh những tình trạng trên, tuy nhiên chính phủ vẫn tạo điều kiện và cho phép sinh viên được gián đoạn quá trình học tập của mình tối đa 150 ngày áp dụng cho 1 số trường hợp sau:

  • Sinh viên có thể xin tạm dừng chương trình học của mình vì một số lý do cá nhân như đau ốm bệnh tật, việc gia đình hoặc đình chỉ học tập, và phải thông qua xác nhận của nhà trường. 
  • Sinh viên chuyển đổi khoá học hoặc cơ sở đào tạo nhưng thời gian nghỉ giữa chuyển tiếp không quá 150 ngày
  • Nếu sinh viên muốn dời kì học khi đang ở Canada, sinh viên đó bắt buộc phải tham gia kì học tiếp theo trong vòng 150 ngày

 

Dưới đây là một vài tip cho sinh viên khi du học tại Canada

Chọn lựa trường

Như các bạn thấy, mặc dù có rất nhiều lợi ích bạn có thể nhận được từ việc là du học sinh tại Canada nhưng những hỗ trợ này chỉ áp dụng cho các trường được cấp mã DLI. DLI (Designated Learning Institution) là trường được phép nhận sinh viên quốc tế. Thư chấp nhận từ DLI là điều cần thiết để có được giấy phép du học Canada. Nếu bạn muốn du học Canada, hãy đảm bảo rằng trường học và chương trình học của bạn nằm trong danh sách DLI. Để ở lại Canada sau khi tốt nghiệp, chọn một DLI sẽ giúp bạn đủ điều kiện để được cấp Post-Graduation Work Permit (Giấy phép Làm việc Sau Tốt nghiệp). Nếu không chắc chắn về lựa chọn trường của mình, bạn có thể liên hệ với các trung tâm tư vấn di trú để đưa ra quyết định chắc chắn và đúng đắn nhất.

Bán thời gian và toàn thời gian

Một số sinh viên vì hoàn cảnh cá nhân phải cân nhắc việc đi học bán thời gian để giảm gánh nặng học phí hoặc bởi vì khối lượng kiến thức quá nhiều. Tham gia khoá học bán thời gian không hẳn sẽ vi phạm quy định về việc “học không gián đoạn” của bộ di trú, tuy nhiên, bạn không được phép làm việc trong và ngoài campus khi chỉ là sinh viên bán thời gian và vợ/ chồng của bạn sẽ không thoả mãn điều kiện để nộp đơn xin giấy phép làm việc trong thời gian bạn đi học. Quan trọng hơn hết, một sinh viên bán thời gian sẽ không được phép nộp giấy phép đi làm sau tốt nghiệp và một trong những lợi ích của việc du học Canada chính là chỉ cần hoàn tất chương trình học là bạn đã thoả mãn điều kiện để được cấp Giấy phép đi làm và có thể dùng tối đa ba năm để kiếm việc tại Canada mà không cần công ty bảo lãnh giấy tờ

Hy vọng bài viết này sẽ cho bạn định hướng rõ hơn để cân nhắc các lợi ích và đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho mình.

Hoai Huong (June Doan, RCIC)

Ngày 5 tháng 11 năm 2021

***********
DISCLAIMER:  Bài viết này chỉ có mục đích cung cấp thông tin tham khảo dựa trên các thông tin công cộng của chính phủ Canada, không có giá trị tư vấn pháp lý hay thay thế cho việc tư vấn pháp lý. Các chính sách và chương trình Di trú – Định cư của Canada phức tạp và thay đổi thường xuyên, do đó thông tin trong bài viết này có thể đã thay đổi kể từ khi nó được đăng. Hương mời bạn hãy nói chuyện với chuyên gia tư vấn di trú RCIC hoặc luật sư di trú về trường hợp cụ thể của mình.

Filter By Categories
Recent Post
error: Content is protected !!